Trước Tết một tháng, Nguyễn Minh Hồng, 26 tuổi, nhân viên hành chính ở TP HCM nộp đơn xin nghỉ việc.
“Nhiều người bảo tôi sao không chờ thưởng Tết rồi hẵng nghỉ. Nhưng năm qua, tôi đã nhận nhiều hơn cống hiến rồi”, cô lý giải. Trước khi nộp đơn, Hồng đã phỏng vấn ở bốn nơi, chưa được nhận ở chỗ mới nhưng cô vẫn quyết định nghỉ.
Hồng là một trong số những trường hợp minh chứng cho nghịch lý với tên gọi chung là The Great Resignation – trào lưu nghỉ việc ồ ạt trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao. Nghịch lý này càn quét từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á và bây giờ là Việt Nam, trong bối cảnh giai đoạn căng thẳng nhất đã qua, cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, chung sống với Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, đến cuối 2021 Việt Nam có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, chiếm 3,22%, tăng 0,54% so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị vượt mức 4%, cao hơn khu vực nông thôn, trái với xu hướng thị trường lao động những năm qua.
Khảo sát trực tuyến của công ty tư vấn tuyển dụng Anphabe cho thấy, trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay, cứ 10 người có 6 người đang chủ động tìm kiếm công việc mới. Lý giải hiện tượng này, Anphabe chỉ ra nhiều nhóm nguyên nhân có liên quan tới Covid-19 như: biến động ngành nghề, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc căng thẳng, mất cân bằng hay mất kết nối với đồng nghiệp, mất gắn kết với công ty…
Nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company được thực hiện năm 2021 tại 8 quốc gia có các mô hình thị trường lao động và kinh tế đa dạng cũng chứng minh điều đó. Trước đại dịch, chỉ khoảng 6% người lao động có nhu cầu nhảy việc để tìm kiếm mức lương cao hơn. Vì Covid-19, tỷ lệ này có thể lên tới 25%.
Người lao động xếp hàng làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm Dịch vụ việc làm. Nguồn: VnExpress.
Nguyễn Minh Hồng cho biết, cô muốn nghỉ vì cảm thấy mình không thể kết nối với đồng nghiệp và không muốn gắn bó với công ty. Bắt đầu đi làm từ đầu năm 2020, cô và đồng nghiệp hầu như không biết mặt nhau vì chủ yếu làm việc online. Thi thoảng đến văn phòng, mọi người đều đeo khẩu trang, chỉ nói chuyện công việc. “Tôi thấy mình lạc lõng”, Hồng nói.
Có lần sếp nhắn tin chỉ đạo công việc, cô không hiểu ý nên hỏi lại khá nhiều, bị gọi điện mắng té tát. Hồng cho rằng nếu được gặp trực tiếp, cô sẽ hiểu sếp hơn, trao đổi công việc dễ hơn.
Giữa năm ngoái, Hồng và mọi người trong gia đình nhiễm Covid-19, phải cách ly điều trị gần ba tháng, mối liên hệ giữa cô với công ty ngày càng xa cách. Dù nghỉ dài, cô vẫn được trợ cấp. “Không nhiều nhưng tôi vẫn cảm giác như mắc nợ người dưng”, cô cho biết. Áp lực tâm lý lại phải vừa chăm con vừa làm việc, người mẹ trẻ chỉ muốn “bỏ quách cho nhẹ đầu”. Cuối năm, khi các doanh nghiệp lần lượt mở cửa, Hồng quyết định cởi trói, tìm cơ hội mới cho mình.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nghỉ việc ồ ạt sau khi thị trường hồi phục là nhóm nhân viên “siêu nhảy việc” (jop hopper) tích cực hoạt động trở lại sau thời gian dài “án binh bất động”, theo nhận định của Anphabe.
Dịch bệnh đã trói chân Nguyễn Hoàng Minh, 22 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội, suốt hai năm qua. Anh nghỉ việc ở một công ty nước ngoài đầu năm 2020. Trong vòng bốn tháng, Minh nhảy sang làm môi giới bất động sản, nhân viên tín dụng ngân hàng nhưng trầy trật không có thu nhập nên quay lại công ty cũ. Hơn một năm nay, anh nhấp nhổm xin nghỉ việc vì phải làm xuyên đêm mà không học hỏi được kỹ năng nào. Ra Tết, khi có nhiều cơ hội việc làm, anh đã gọi điện thông báo với sếp quyết định nung nấu cả năm qua.
Hoàng Minh nhận mình thuộc nhóm “siêu nhảy việc”, chỉ gắn bó với một nơi khoảng hai năm, chiếm 17% nguồn nhân lực Việt Nam. Không quá ngạc nhiên khi anh chọn nghỉ việc sau hơn một năm gắn bó.
Hoàng Minh làm ca đêm hồi tháng 3/2021. Nguồn: VnExpress.
Nhưng những lao động thuộc nhóm tiêu chuẩn, gắn bó với một doanh nghiệp khoảng 4,5 năm (chiếm 64% nguồn nhân lực) như Nguyễn Thu Minh, 32 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội, cũng thấy chán nản và mệt mỏi. “Một năm đầy biến cố khiến tôi chông chênh và nhận ra mình không còn phù hợp với công việc này nữa”, cô gái làm trong lĩnh vực truyền thông nói.
Quãng thời gian ở nhà do đại dịch, cô trăn trở hơn với câu hỏi “Công việc mình có tạo ra giá trị gì cho xã hội không?”. Thu Minh dành thời gian đọc sách, báo, nhận ra thị trường lao động rất bất ổn, cô cần tự học hỏi và được cho cơ hội thay đổi, nhưng chỗ làm hiện tại không đáp ứng được kỳ vọng đó.
Tiến sĩ Lý Quí Trung, giáo sư của Đại học Western Sydney, Australia nhận định bối cảnh Covid-19 kết hợp với công nghệ 4.0 làm mọi thay đổi diễn ra nhanh và khó đoán trước, điển hình là người trẻ nhảy việc nhiều trong thời gian ngắn, hay người lao động thích làm việc từ xa…
Trào lưu nhảy việc thời Covid đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là sự phục hồi của các doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê tại 22.000 doanh nghiệp, gần 18% cho biết thiếu hụt lao động, nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%. Tình trạng này cũng sẽ khiến các doanh nghiệp mất thêm chi phí cho lao động, bao gồm chi phí tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi… đẩy chi phí sản xuất tăng thêm, ít nhiều dẫn đến lạm phát.
Công nhân công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn đang làm đơn hàng Tết tháng 1/2022. Nguồn: VnExpress.
Để giảm thiểu tình trạng người lao động nghỉ việc ồ ạt, tiến sĩ Phạm Khánh Nam, trưởng khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP HCM đề xuất cần có các chính sách khuyến khích kinh tế gồm tiền (ví dụ tăng lương) và phúc lợi như chỗ ở, vaccine, xét nghiệm, phương tiện di chuyển, đào tạo kỹ năng phù hợp với công việc mới.
“Các địa phương nên liên kết dạy nghề, củng cố tay nghề để nâng cao chuyên môn cho người lao động. Khi đó, cả số lượng lẫn chất lượng nguồn lao động đều tốt hơn”, ông Nam nêu giải pháp.
Các chuyên gia khuyên thay vì vội vàng nhảy việc, người lao động cần xây dựng lộ trình phù hợp, xác định rõ mình muốn gì, cần học tập, bổ sung cái gì để phục vụ công việc.
Thu Minh quyết định quay lại với chuyên ngành được đào tạo từ đại học là Tâm lý. Cô đã gần hoàn thiện lộ trình “nâng cấp bản thân” trước khi nghỉ việc, bằng cách tham gia các khóa học online để củng cố kiến thức chuyên môn và cập nhật những kiến thức mới. Muốn bắt nhịp với công việc tốt hơn khi chuyển sang, Thu Minh cũng đã cộng tác với đơn vị dự định nộp đơn nửa năm qua.
Hiện tại, Hồng sống nhờ trợ cấp thất nghiệp và đang nuôi ý định buôn bán hoặc làm dịch vụ cải tạo các khu trọ để cho thuê lại, thay vì làm công ăn lương. Hoàng Minh thì đã nhận được thông báo trúng tuyển vị trí nhân viên marketing cho một công ty mỹ phẩm. “Tôi không dám chắc mình sẽ gắn bó với nơi này bao lâu”, chàng trai thuộc nhóm siêu nhảy việc nói.
Nguồn: VnExpress.