Kỹ năng quản lý cảm xúc là gì?
Theo Izard (1977) – nhà tâm lý học người Mỹ chuyên nghiên cứu về cảm xúc cho rằng: “Cảm xúc tạo nên hệ động cơ chính của con người. Các cảm xúc có ý nghĩa to lớn trong hoạt động của cá nhân, thôi thúc con người làm việc. Cảm xúc không đối lập với trí tuệ, cảm xúc là một dạng trí tuệ bậc cao”.
Thế nên, quản lý cảm xúc không phải là hành động đơn giản. Đó bao gồm tất cả các quá trình nhận thức và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Chỉ khi hiểu sự ảnh hưởng của cảm xúc đối với người khác và chính mình như thế nào, bạn mới có thể thể hiện và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Tại sao chúng ta lại cần có kỹ năng quản lý cảm xúc trong công việc?
Các chuyên gia của Indeed Career Guide đã chỉ ra một người tốt khả năng quản lý cảm xúc sẽ có lộ trình thăng tiến nhanh chóng và bền vững hơn rất nhiều so với người khác. Điều này dễ dàng thấy qua những lợi ích từ kỹ năng này đem lại như:
- Giúp trao đổi và thương lượng hiệu quả hơn
- Giảm căng thẳng trong quá trình giao tiếp
- Giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hoà
- Minh mẫn và giải quyết vấn đề khó khăn
- Suy xét kỹ lưỡng các hành vi, ngôn từ, lời nói
- Duy trì các mối quan hệ tốt đẹp, cư xử đúng mực
- Giải phóng năng lượng tiêu cực của bản thân, giảm stress, áp lực
Biết cách quản lý cảm xúc, ta biết cách tạo nên sự cân bằng trong bản thân. Từ đó, chúng ta sáng suốt hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
5 cách rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc trong công việc
Kỹ năng quản lý cảm xúc không phải tự nhiên mà có. Để kiểm soát và giữ cảm xúc luôn ở trạng thái đúng mực và tích cực, chúng ta cần rèn luyện và điều chỉnh mỗi ngày. Bạn có thể tham khảo các cách dưới đây.
1. Kỹ năng quản lý cảm xúc bằng sức mạnh trí tuệ
Hãy học cách vận dụng sức mạnh của trí tuệ EQ để quản lý cảm xúc trong công việc hằng ngày. Có thể là lắng nghe, quan tâm đến mọi người xung quanh, cân bằng giữa cảm xúc và lý trí. Từ đó, bạn sẽ có góc nhìn đa chiều hơn, đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Đồng thời, sức mạnh trí tuệ cảm xúc giúp bạn tự đánh giá và điều chỉnh kỷ luật của bản thân. Bạn suy nghĩ tích cực sáng tạo hơn, không để cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
Qua quá trình rèn luyện, bạn sẽ biết cách xây dựng và gắn kết các mối quan hệ đồng nghiệp trong xã hội. Điều này tạo tiền đề rất tốt cho công việc và sự nghiệp của bạn về sau.
2. Kỹ năng kiềm chế cảm xúc bằng hành động tức thời
Theo nghiên cứu của Healthxchange, các cảm xúc tiêu cực phổ biến nhất trong công việc chính là tức giận, thất vọng, lo lắng, buồn bả, chán nản.
Những lúc thế này cơ thể bạn nóng ran, nhịp tim đập nhanh liên tục, đầu óc căng thẳng và bản thân thì vô cùng khó chịu. Vậy khi ấy, bạn nên làm gì?
Đầu tiên, hãy điều chỉnh cảm xúc của mình. Áp dụng kỹ năng kiềm chế cơn nóng giận, đưa cơ thể về trạng thái cân bằng bằng những hành động đơn giản như: hít thở thật sâu, thả lỏng cơ thể, nhắm mắt, điều chỉnh tư thế sao cho thật thoải mái,… Điều này sẽ khiến bạn bình tĩnh lại, tinh thần được giải phóng và dần ổn định hơn.
Đừng nôn nóng hay nói những lời khó nghe để giải toả bản thân. Hành động nông nổi, bốc đồng ngay lúc này chắc chắn sẽ khiến bạn hối hận.
3. Kỹ năng quản lý cảm xúc bằng sức mạnh ngôn từ
Hãy học cách sử dụng những ngôn từ tích cực để khích lệ và động viên chính mình mỗi ngày. Ngưng than vãn và bắt đầu nhìn nhận cuộc sống lạc quan hơn. Những lời yêu thương sẽ khiến bạn luôn tràn đầy năng lượng, làm việc thật hiệu quả và năng suất.
Sử dụng sức mạnh của ngôn từ vô cùng quan trọng trong quản lý cảm xúc bởi lẽ các mối quan hệ đều được dựa trên những cuộc giao tiếp thường ngày. Lời nói của bạn sẽ có tác động lớn đến những người xung quanh. Khi có xung đột hay bất đồng quan điểm, cần đảm bảo ngôn từ của mình phải có chừng mục, không làm tổn thương đối phương, không chê bai, không bác bỏ quan điểm. Chọn cách diễn đạt hoà nhã, nhẹ nhàng và có tính xây dựng sẽ làm câu chuyện chất lượng và đồng điệu hơn.
4. Quản lý cảm xúc bằng quá trình tự nhận thức
Chẳng ai muốn tiếp xúc với một người quá tự cao hoặc quá tự ti. Đây đều là tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển sự nghiệp và công việc của bạn. Khi bạn biết tự nhận thức giá trị của mình, sự tự tin vừa đủ sẽ khiến bạn trở nên thật nổi bật và khí chất hơn. Bạn ít bị ảnh hưởng bởi những ý kiến bên ngoài và trở nên lạc quan, tích cực hơn.
Một số cách giúp bạn nâng cao quá trình nhận thức (self-awareness) như:
- Rèn luyện ngôn ngữ cơ thể, dáng vẻ và phong thái tự tin
- Thử thách bản thân với những trải nghiệm mới mẻ chưa từng thực hiện
- Chân thành, đối diện với cảm xúc của bản thân
- Không đổ lỗi, không so sánh; tập trung vào cải thiện bản thân
- Đánh giá tính đúng sai công bằng, đồng cảm và khen ngợi nhiều hơn
- Tránh xa những mối quan hệ tiêu cực, xin đánh giá góp ý mang tính xây dựng
- Liên tục phát triển bản thân và nâng cao giá trị của mình
5. Giải toả cảm xúc bằng những hoạt động lành mạnh
Theo nghiên cứu của Heiy & Cheavens, các hoạt động tự xoa dịu bản thân giúp giảm các cảm xúc buồn bã, cáu giận từ những trải nghiệm tiêu cực.
Hãy dành thời gian cho bản thân bằng những hoạt động bạn thích như tập thể dục, thiền, yoga, vẽ tranh, đi du lịch,… Tự thưởng cho mình một bữa ăn thật ngon, một bộ quần áo đẹp cũng là một ý tưởng không tệ.
Nếu có thể, hãy tâm sự cùng ai đó đáng tin cậy hoặc thậm chí với chính bản thân, nói hay viết ra hết nỗi lòng, cảm xúc dồn nén bấy lâu. Bạn sẽ có những lời khuyên, sự nhìn nhận đa chiều và bình tĩnh hơn.
Nhớ rằng, bạn là một bản thể riêng biệt và độc nhất. Cảm xúc của bạn đáng được trân trọng. Thế nên, đừng bài trừ nhưng vẫn hãy quản lý chúng một cách khôn ngoan. Điều hoà cảm xúc và hành động của mình trong công việc sẽ giúp bạn năng suất, hiệu quả và thăng tiến nhanh hơn.
Hy vọng những chia sẻ hữu ích trên của G.A.P Institute sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức để phát triển các kỹ năng của mình. Để được tư vấn và chuẩn bị hành trang chinh phục mục tiêu trên con đường nghề nghiệp, hãy liên hệ ngay với G.A.P Institute để được tư vấn chi tiết!
Follow G.A.P để theo dõi các khóa học bổ ích nhé!